mask-group-5
AA_Company_No1_Furniture_Supply_Interior_Fit_Out_PM_dialogue4
25 December 2019

BỐN THÁCH THỨC LỚN CỦA NGÀNH GỖ VIỆT NAM TRONG TƯƠNG LAI

Ngày 23/12/2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính Phủ đã dành một buổi sáng để đối thoại với cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục được đối thoại, thảo luận với Chính phủ, bộ ngành liên quan về các vướng mắc khó khăn trong môi trường kinh doanh, cùng nhau tìm ra giải pháp để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển hiệu quả và bền vững, tự tin vươn ra thế giới. 

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về vai trò quan trọng của các Doanh nghiệp trong phát triển kinh tế. “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”, Thủ tướng nói. Năm 2019, Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có, trong đó xuất khẩu gỗ vượt mục tiêu Chính phủ đề ra đầu năm và chinh phục con số 11 tỷ USD. 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT công ty AA Corporation, ông Nguyễn Quốc Khanh đã đại diện cho các doanh nghiệp ngành gỗ trao đổi với Thủ tướng Chính phủ về bốn thách thức lớn của ngành gỗ trong tương lai. Thứ nhất là xây dựng nguồn nguyên liệu bản địa, gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng, lâm nghiệp. Thứ hai là có quy hoạch tốt cho nguồn nhân lực ngành gỗ, gia tăng chuyên môn, thể lực lao động, rèn luyện tính kỷ luật của đội ngũ công nhân ngành gỗ. Khi có kỷ luật, có tay nghề tốt và kiến thức tốt thì chính những người công nhân đó là nội lực để cho các doanh nghiệp bứt phá hơn. Thứ ba, theo ông Nguyễn Quốc Khanh, là phải hội tụ được các yếu tố về thiết kế, về thương hiệu, về phân phối thương mại để gia tăng gia trị của sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nghiệp cần thay đổi tầm nhìn, có một định hướng dài hạn cho mình. Cuối cùng là cần phát triển một hệ sinh thái trong đó là sự kết hợp hài hoà của nhiều loại vật liệu khác nhau để làm ra một sản phẩm xuất sắc – cũng chính là sự hợp tác giữa các ngành nghề khác nhau để gia tăng chuỗi giá trị liên ngành.

Ông Nguyễn Quốc Khanh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cần nhanh chóng tiến hành xây dựng một trung tâm triển lãm quy mô quốc tế và thành lập Hiệp hội Đồ gỗ & Nội thất Việt Nam, từ đó các doanh nghiệp ngành gỗ có thể học hỏi và quảng bá sản phẩm của mình tới bạn bè quốc tế. 

Tại hội nghị, công ty AA Corporation đã trưng bày một bộ bàn ghế cao cấp được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu trong nước: gỗ tràm bông vàng (còn gọi là cây keo lai), ván lạng tràm bông vàng và da nội địa. Bộ sản phẩm này được đích thân ông Khanh thiết kế và lựa chọn vật liệu, và đã nhận được rất nhiều lời khen từ Thủ tướng cũng như đại diện các Bộ, ngành, các Doanh nghiệp tham gia hội nghị. Bộ sản phẩm này nhằm mục đích khẳng định rằng nguyên liệu trong nước hoàn toàn có khả năng cho ra những sản phẩm cao cấp ngang tầm quốc tế với giá thành chỉ bằng một nửa so với những nguyên liệu nhập ngoại. Việc sử dụng nguyên liệu trong nước cùng sự khéo léo của người thiết kế và tay nghề vững vàng của người công nhân sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, xứng đáng vươn lên những vị trí cao hơn trong top những quốc gia xuất khẩu lâm sản thế giới.

AA_Company_No1_Furniture_Supply_Interior_Fit_Out_PM_dialogue4AA_Company_No1_Furniture_Supply_Interior_Fit_Out_PM_dialogueAA_Company_No1_Furniture_Supply_Interior_Fit_Out_PM_dialogue3AA_Company_No1_Furniture_Supply_Interior_Fit_Out_PM_dialogue2

Theo báo Đầu tư online - Diễn đàn Đầu tư Kinh doanh