Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết trong lĩnh vực gỗ ít ai biết nội thất thiết bị cho phòng First Class của hãng hàng không hạng sang thế giới Emirates được làm bởi Việt Nam. Park Hyatt St.Kitts and Nevis, khách sạn năm sao bậc nhất thuộc vùng biển Caribbean với những tiện nghi hoàn hảo không đâu sánh bằng, cũng sử dụng đồ gỗ Việt Nam.
Vượt qua Park Hyatt St.Kitts, nhiều công trình nội thất khách sạn 6 sao Rosewood Phnom Penh Hotel, hay ở Mỹ, Nhật, Dubai, Singapore... cũng đón nhận sản phẩm gỗ Việt bởi chất lượng, độ tinh tế cao, sử dụng nguyên liệu hợp pháp...
“Quay về trong nước, những công trình lớn như Geen Center, Park Hyatt Sài Gòn, khách sạn năm sao khác.... đều có sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành gỗ bản địa” - ông Khanh chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng cho hay ngành gỗ chỉ mới sử dụng 30%-40% nội lực, nhiều nguồn lực chưa được khai thác như hiệu quả đầu tư công nghệ, nâng tầm quản trị, đầu tư thiết kế, phân phối thương mại và xây dựng thương hiệu...
Do đó, ông đề xuất việc phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ để mỗi khi nhắc đến Việt Nam sẽ kèm cụm từ “là trung tâm sản xuất đồ gỗ”.
Ông cho rằng để phát triển thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ cần có thêm sự hỗ trợ gián tiếp từ phía Nhà nước về phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc, nhân lực... Xa hơn là tiến đến thành lập trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ đủ tầm, viện thiết kế nội thất Việt Nam, tổ chức các giải thưởng thiết kế như kinh nghiệm thành công từ Singapore.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ, thương hiệu doanh nghiệp. Thủ tướng nhận định việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gỗ ở Việt Nam hay thương hiệu doanh nghiệp còn yếu, chưa có nhiều doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới. Việc xuất khẩu phải thông qua doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhìn nhận những vấn đề khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đang gặp phải như nguồn nguyên liệu phát triển chưa bền vững, sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến với người trồng rừng còn yếu. Đầu tư cho ngành chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ cũng còn hạn chế.
Vì thế, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chính phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản.“Sao cho trong 10 năm tới, ngành này phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế đất nước. Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thế giới” - Thủ tướng yêu cầu.
Cụ thể, mục tiêu trước mắt cho năm 2018 là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tối thiểu 9 tỉ USD, năm 2019 đạt 10-11 tỉ USD, năm 2020 đạt 12-23 tỉ USD, tới năm 2025 đạt 18-20 tỉ USD.
Để đạt được điều này, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, phát triển rừng gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ chọn, tạo giống, trồng, chăm sóc rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng.
Ngoài khai thác và sử dụng có hiệu quả 2,8 triệu ha rừng trồng sản xuất hiện có, ổn định diện tích khai thác rừng khoảng 200.000-250.000 ha/năm, Việt Nam phấn đấu là một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.